TÂM SỰ LÍNH BINH NHÌ
TÂM SỰ LÍNH BINH NHÌ
Bài viết: Binh nhì Nguyễn Công Kiệt
Chiến sĩ Trung
đội 2-Đại đội PPK 2- Tiểu đoàn PPK 1
Sau hơn một
tháng quân ngũ, đến bây giờ chắc nhiều người vẫn chưa hết ngạc nhiên trước
quyết định lên đường nhập ngũ của tôi. Cách đây vài ba tháng, tầm khoảng tháng
11 năm 2018 khi tôi đăng hình giấy gọi khám sức khỏe lên mạng xã hội, nói rằng đã đủ điều kiện sức
khỏe nhập ngũ, rồi sau đó là lệnh gọi nhập ngũ nhiều người trong đó có
bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và đông đảo các học sinh của tôi vẫn không tin rằng tôi sẽ đi bộ đội,
thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuy nhiên là một gia đình có con
hiếu học ở một xã ven biển huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ở Xã tôi, đại đa số các gia đình đều
chỉ cho con học hết lớp 9 sau đó đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong nước hoặc
đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, lớn hơn một chút thì dựng vợ, gả chồng. Bố mẹ tôi thì khác, tuy hoàn cảnh gia
đình tôi rất khó khăn, thu nhập của gia đình chỉ dựa vào tiền làm muối trong 3 tháng
mùa Hè (nghề làm muối phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, trời mưa và
râm không thể sản xuất được) và tiền làm thợ hồ của Bố. Nhưng bố, mẹ tôi đã cố gắng chạy vạy, vay mượn để nuôi bốn
chị em chúng tôi học hành đến nơi đến chốn. Cả bốn chị em đều được đi học Đại học, ở nhà
chúng tôi ai cũng thương bố mẹ, thấy bố mẹ vất vả làm việc gì đều muốn bắt tay vào phụ giúp. Nhưng Bố tôi luôn
nghiêm mặt, nói rằng: "Học kiếm sét bát chữ mới khó, chứ thời
buổi bây giờ ai đổ sức ra mà làm nữa, phải học cho giỏi để sau này dùng đầu óc
mà làm việc, cứ để đó bố làm, đi vào học bài". Chúng
tôi cứ lớn lên như vậy người sau noi gương người trước. Tôi là con Út, là đứa cuối cùng trong nhà tốt nghiệp Đại học, thỏa lòng mong mỏi của bố mẹ, bước đầu gọi là
nuôi các con học hành đến nơi đến chốn.
Tôi tốt nghiệp Đại học
Bách Khoa Đà Nẵng tháng 8 năm 2017 với tấm bằng loại Giỏi và các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tích lũy được ở thời sinh viên, tôi
thi tuyển và trúng tuyển vào công tác tại Ban Quản lý dự án Điện nông thôn miền Trung
thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung. Tôi được phân về làm nhân viên ở phòng Kỹ
thuật nghiệp vụ, công việc hằng ngày là quản lý và kiểm soát tiến độ và chất lượng các hồ sơ dự án
đường dây và trạm biến áp điện trên địa bàn 13 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Có thể nói rằng đó là một công việc rất
thành đạt đối với các kỹ sư Điện mới tốt nghiệp ra trường. Bên
cạnh các công việc chuyên môn, tôi còn là tác giả hơn 20 bài đăng trên Tạp chí Hóa Học
& Ứng dụng thuộc Hội Hóa Học Việt Nam. Đồng thời còn là tác giả, tham gia viết và chủ
biên 5 cuốn sách luyện thi Đại học môn Hóa học được in hàng nghìn bản. Thông
qua trang Blog và trang Facebook cá nhân tôi còn phát hành hàng trăm tài liệu, lời
giải đề thi dạng file mềm nhằm giúp đỡ các em học sinh trên cả nước yêu thích và học tốt hơn môn
Hóa học. Tôi
được các bạn đọc của mình
gọi là thầy, các thầy cô gọi là đồng nghiệp. Với một công việc ổn định, biên
chế, một niềm đam mê được mọi người ủng hộ. Nhiều người nói rằng con đường tôi
đi là con đường màu hồng. Vì vậy, khi tôi quyết định thực hiện nghĩa vụ quân sự
nhiều người cho rằng đó là quyết định ngốc nghếch; gia đình, thầy cô thì khuyên nhủ rất nhiều,
nói nặng, nói nhẹ, phản đối cũng có. Đã có rất nhiều câu hỏi mà mọi người hỏi
tôi, rằng: Đã suy nghĩ kỹ chưa? Có hối hận không? Có tiếc nuối không khi mà
đang có sự nghiệp sáng lạn như vậy mà lại tạm gác? Khổ cực quá rồi có chịu
được không? Sau 2 năm nữa mất việc thì sao? Lương thưởng một năm bao nhiêu là
tiền sao lại bỏ mà đi như vậy? Nhưng rồi cuối cùng quyết định của tôi vẫn là
lên đường nhập ngũ. Lúc đó tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là mình thực hiện nghĩa vụ
của người thanh niên đối với Tổ quốc. Và bây giờ, khi ngồi đây viết những dòng này
tôi đã là một người chiến sĩ, đã bước đầu có những trải nghiệm ý nghĩa của môi
trường Quân đội, những trải nghiệm đó tôi nghĩ rằng tiền không thể mua được.
Khi mới bước vào cổng của
đơn vị tại Đại đội PPK2, Tiểu đoàn PPK1, Lữ Đoàn PK 573 tôi bước đầu có nhiều
bỡ ngỡ. Trong đầu có nhiều suy nghĩ và cảm xúc khó tả. Ngay khi bước chân từ xe
xuống đơn vị cho đến hôm nay tôi đã được chỉ huy các cấp và các anh đi trước
hướng dẫn, chỉ bảo hết sức tận tình, chu đáo. Những hành động, cử chỉ rất nhỏ
thôi: đó là những cái
xắn tay áo, xắn ống quần của đồng chí Tiểu đội trưởng, hành động bẻ cổ áo cho
chiến sĩ của Trung đội trưởng, vài mẹo nhỏ mà Chính trị viên chia sẻ để gấp
chăn sao cho đẹp hay những câu hỏi thăm ân cần, quan tâm, gần gũi của Đại đội
trưởng…Những hành động ấy đã để lại trong tôi nhiều tình cảm và ấn tượng sâu
sắc mà chắc từ đó trở về sau tôi không bao giờ quên được. Sau một thời gian
sinh hoạt và thực hiện các chế độ trong Quân đội, tôi nhận ra mình còn thiếu
rất nhiều kỹ năng, những phẩm chất mà chắc chỉ có môi trường đầy kỷ luật và
khuôn khổ như Quân đội mới có thể giúp tôi hoàn thiện. Môi trường này giúp tôi
tiếp xúc với nhiều đồng chí, đồng đội ở nhiều miền quê, qua đó tôi cũng biết
được nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán của từng nơi. Môi trường tập thể
giúp tôi rèn được kỹ năng tự tin, bản lĩnh, tác phong, khẩu khí khi nói trước
đám đông. Mạnh dạn góp ý, phê bình cho đồng chí đồng đội, tự phê bình tìm ra
những thiếu sót của bản thân đưa ra kế hoạch và phương pháp để khắc phục những
nhược điểm hạn chế của mình. Khác với cuộc sống ngoài xã hội, ở trong Quân đội
giờ nào việc nấy, chúng tôi thức dậy từ sớm để tập thể dục rèn luyện sức khỏe,
rồi được học tập chính trị, huấn luyện quân sự, buổi tối còn được học các bài hát,
bài múa tập thể…Những kiến thức và kỹ năng đó ở ngoài xã hội, tôi dám chắc rất
khó có cơ hội và sắp xếp được thời gian để học. Hoặc nếu có thì cũng rất mất
nhiều thời gian và chi phí. Cường độ học tập và lượng kiến thức mà tôi được học
trong giai đoạn này rất nhiều so với thời Đại học. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao
người ta nói “Quân đội như một trường học lớn” là như vậy.
Qua những bài học đầu tiên, những ngày tháng đầu tiên
sống trong quân ngũ, tôi bắt đầu hiểu được sự hi sinh gian khổ, sự thiệt thòi
mà những người quân nhân phải chịu để cống hiến vì đất nước, vì nhân dân trong
đó có anh trai tôi. Qua những bài học về quân sự, trong đó có kỹ thuật bắn súng
tiểu liên AK tôi đã hiểu được thời sinh viên vì sao tôi không nhắm bắn được vào
mục tiêu, tôi cũng học được cách thức để
hoàn thành một công việc, một nhiệm vụ có trách nhiệm cẩn thận, tỉ mỉ đến từng
chi tiết nhỏ nhất. Đã có lúc tôi nghĩ rằng vào Quân đội được chăm sóc từng
miếng ăn giấc ngủ, cấp quân phục cho mặc, được dạy cho kiến thức để hiểu
biết nâng cao trình độ văn hóa, được rèn
luyện sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần đáng lẽ chúng tôi cần phải đóng “học
phí” và “sinh hoạt phí” để có được cuộc sống như thế này. Thực hiện nghĩa vụ
quân sự là nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý như vậy mà bằng cách này hay cách
khác nhiều gia đình vẫn tìm cách để con em mình được ở nhà, không phải đi bộ
đội vì sợ vất vả, cực khổ. Khi viết những dòng này tôi bất chợt
nghĩ đến câu nói của nhà văn Nikolai A.Ostrovsky trong Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy mà tôi
đã đọc hồi học lớp 11:"Cái quý nhất của con người ta là sự
sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống
phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt
xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp
cao đẹp nhất trên đời-sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".
Sau hơn Một tháng nhập ngũ tại đơn vị, có
nhiều lúc suy nghĩ cảm thấy cũng nhớ nhà, nhớ bạn bè, đồng nghiệp, công việc và
học sinh của mình, nhưng nghĩ lại giờ mình đã đứng trên vai trò của người chiến
sĩ những suy nghĩ cá nhân đó đều gác lại. Chặng đường phía trước còn rất dài,
còn hứa hẹn rất nhiều khó khăn và thử thách. Tôi sẽ còn phải học và được học rất
nhiều kiến thức, rèn giũa rất nhiều kỹ năng. Tôi tin tưởng rằng môi trường Quân
đội sẽ cho tôi nhiều hành trang quý báu, sẽ giúp tôi hoàn thiện bản thân mình
hơn để thành đạt trong công việc và cuộc sống sau này.
Tôi viết nên
những dòng tâm sự này, cũng rất mong các đồng chí chiến sĩ mới như tôi hãy phấn
đấu học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa, hãy xem “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh
em”. Vinh dự, trách nhiệm là người chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam,
tiếp bước cha anh đi trước, xây dựng hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Góp một phần công sức nhỏ bảo vệ gia đình, quê hương và bầu trời thiêng liêng
của Tổ quốc. Phát huy truy truyền thống đơn vị Lữ đoàn PK 573 anh hùng, đoàn
kết, hiệp đồng lập công tập thể. Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
28/3/2019
Share This:
-
PrevoiusMÌNH VIẾT GÌ KHI VIẾT VỀ TÂN BINH
-
NextCHUYỆN ĐI BỘ ĐỘI
No Comment to " TÂM SỰ LÍNH BINH NHÌ "