.

TIN MỚI NHẤT

Menu

MÌNH VIẾT GÌ KHI VIẾT VỀ TÂN BINH

MÌNH VIẾT GÌ KHI VIẾT VỀ TÂN BINH

Định viết gì đó cho 3 tháng tân binh từ lâu lắm. Quyết định này được nâng lên đặt xuống nhiều lần, phần vì không sắp xếp được thời gian, phần vì sợ viết ra những điều không nên viết. "3 tháng quân trường mồ hôi đổ, ngày đầu tiên bỡ ngỡ tay súng với nhịp đi…đó là những gì mình biết về tân binh trước khi nhập ngũ. Thực sự, lúc đó những hiểu biết về 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới rất mơ hồ, càng không hiểu 3 tháng đó có gì ghê gớm mà lại đi vào giai thoại như vậy.

Thực ra, nhiều người vẫn giữ suy nghĩ thành phần đi bộ đội là thành phần vô công rồi nghề, phá làng phá xóm. Mà cũng đúng thật. Như mình chẳng hạn, giờ này mà không ở bộ đội chắc lại lên mạng chém gió phá đảo Facebook. Nghĩ lại quãng thời gian trước đây so với bây giờ, thấy mình đã lãng phí quá.

Lính trong Đại đội được tuyển từ 5 địa phương chính và cũng có những thành phần chẳng giống ai như mình, ở Nghệ An nhưng đi cho Đà Nẵng chẳng hạn. Đủ xuất thân, thành phần, trình độ văn hóa, tính cách, thể chất,…mỗi người mỗi kiểu. Cũng là sống tập thể nhưng ở kí túc xá sinh viên khác, ở doanh trại Quân đội khác. Trong Quân đội, khoảng cách thế hệ sẽ được san phẳng bằng câu:

Lính tuổi quân

Dân tuổi đời

Ở ngoài người ta sẽ nói như vậy là mất nết ^-^ nhưng dần rồi cũng quen. Một đặc sản được mang đi từ các địa phương về đây tụ họp nữa là những câu nói tục, chửi thề, mỗi nơi mỗi kiểu đm, vd, hl, đkm,…nói chung là đủ thể loại và mặc dù cấp trên thường xuyên quán triệt và nhắc nhở nhưng rồi đâu lại vào đấy.

Thời gian huân huấn luyện quân sự chiếm gần 80% tổng thời gian huấn luyện tân binh, đa phần ngày hai bữa cơ động ra thao trường. Ban đầu, mặt thằng nào, thằng nấy còn trắng tinh, búng ra sữa, sau một thời gian không lâu những cậu ấm ngày nào đều khoác lên mình một làn dau nâu mà bất kỳ cô gái châu Âu nào cũng ao ước : )) Các cháu học sinh cấp II, III vào thấy bộ đội hét lên ngạc nhiên:"Bay ơi nhìn mấy chú bộ đội kìa, eo ơi đen thui y". Trời ạ, Bộ đội Việt Nam chứ phải phim Hậu Duệ của mặt trời đâu mà đòi trắng trẻo, đẹp trai. Nói đến bộ phim này, lại nhớ đến hôm học ngắm AK, thằng em sinh năm 2k trong tiểu đội bảo là:" anh K ơi, cho em mượn cái đồng hồ em đeo vào ngắm bắn xem có giống diễn viên Song Joong Ki không"? làm mình bật cười.

Dân ở đây rất quý bộ đội, mỗi lần hành quân đi bắn tập, lúc về, trời nắng người dân đều mang nước và đồ ăn cho bộ đội rất nhiều. Các em nhỏ thì ra vỗ tay, gọi rồi nhìn các chú bộ đội bằng ánh mắt lấp lánh và ngưỡng mộ lắm. Đến giờ, mình vẫn nhớ như in hình ảnh anh tiểu đội trưởng giúp một ông lão đổ xe sắt vụn trên đường hành quân về, những hình ảnh đó thân thương và bình dị biết mấy.

Mặc dù từ đầu đến cuối việc đi bộ đội là quyết định của mình nhưng không thể phủ nhận có lúc cũng thấy chán nản và xuống dốc tinh thần. Sống trong một tập thể nếu chỉ có một mình mình tốt, mình gương mẫu là chưa đủ.  Hẳn ai  một lần từng đi học giáo dục Quốc Phòng đều trải qua 2 bài giáo huấn.

Bài 1: Phân tích cụm từ "con người".

Bài 2: Phân tích câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh:"Có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức là vô dụng".

Hôm đó, trời rất là cao và rất xanh, mình và thằng bạn giường trên, một thằng học BK-một thằng học sư phạm không rõ đã nói câu gì đụng chạm đến lòng tự ái của ông tiểu đội trưởng mà cả tiểu đội được vác súng chạy (n+1) vòng đến khi mồ hôi rơi lã chã thì được phép dừng lại, đứng nge bt lên lớp 2 bài học trên, từ đó đi trong hàng không đứa nào dám ho he gì nữa. Thằng em cạnh giường nói, lúc sáng chạy mệt quá, trời thì nắng trong đầu em chỉ có 1 ý nghĩ duy nhất là biết thằng nào gây ra cái vụ này thì xiên cho nó vài lê. Nhưng mà sau đó biết người gây ra vụ việc là "chủ tịch" thì thôi chứ, mấy khi chủ tịch vi phạm, cho nó có kỉ niệm cho vui.

Không biết từ bao giờ, lại có cảm tình với các chú bộ đội như vậy, chắc hồi nhỏ, bộ đội về làng đắp đê giúp dân, những chuyện đó giờ chỉ còn trong kí ức. Những lần hành quân trong đêm tối, trong đầu cứ âm vang ca khúc:"Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác…Cờ sao quyết thắng, lấp lánh soi sáng đường cháu đi". Lúc hành quân về, trời nắng chang chang thì lại nhớ bài thơ hồi tiểu học của Xuân Quỳnh

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ

"Cục cục tác cục ta"

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Có phải vì quá đa cảm hay không mà mỗi lần xem hoặc nghe tư liệu gì về Bác là cổ họng cứ nghèn nghẹn, sống mũi cay cay. Nhất là ai đã đọc qua tiểu thuyết "Cha và con" của Hồ Phương lại càng thấy Bác vĩ đại biết bao, làm sao kìm được xúc động khi nghe tên Bác.

Cuộc sống vẫn cân bằng, theo một góc nhìn nào đó, bên cạnh những ngày hành quân, những ngày thôi trường nắng gió, vẫn có những ngày được đi câu lạc bộ, đối với mình cuối tuần có vài tiếng đọc truyện Mắc Biếc, Xin chào ngày xưa ấy, nhật ký thời chiến… uống 1 ly Mirinđa vị soda kem mát lạnh, ngon xoắn lưỡi là sướng lắm rồi. Bên cạnh đó còn có những ngày lễ- Quốc lễ ấy, như là 10/3; 30/4; 1/5 sắp tới là 2/9, 22/12,…ngày lễ thì khỏi phải nói, cái tăm xỉa răng cũng khác với ngày thường. Tất nhiên thời gian nghỉ ngơi như trên không có nhiều đâu, Kiệt chỉ tô hồng một chút lên thôi, mọi người thấy bộ đội sướng quá ai cũng xung phong nhập ngũ thì lại tốt quá, đằng này nghĩ mà buồn. Người không rèn luyện ý chí không cao mà, huống gì bộ đội, cơ bản vẫn là huấn luyện, hết nhiệm vụ này rồi đến nhiệm vụ khác, hết phong trào thi đua này lại có phong trào thi đua khác, cuộc sống vẫn luôn vận động theo cách như vậy.

3 tháng trôi qua, vẫn từng giây từng phút động viên bản thân giữ cho mình được động lực như ngày đầu mới vào nhập ngũ. Một quyết định có đến 99,99% mọi người không ủng hộ, sao không cảm thấy chơi vơi. Đồng đội trìu mến gọi với cái biệt danh "chủ tịch", gọi quen đến mưc giờ chúng chẳng biết chủ tịch tên thật là gì : )) Cái biệt danh trời đánh này xuất phát từ một phong trào trên mạng thời gian trước nhập ngũ. Mấy thằng nghịch ngộ, đi gặp ở đâu cũng trêu:

"Ơ chủ tịch mà cũng phải đi vớt bèo à?",

"chủ tịch tập không được phải đi hít đất kìa bay ơi",

"chủ tịch làm gì mà phải vác súng chạy thế?",

"ơ, chủ tịch đái bậy nha, em báo cáo chỉ huy"?,…

"Chủ tịch hôm nay bắt đầu hối hận về việc đi bộ đội rồi hay sao mặt buồn vậy"?

Lại nói về chuyện này, viecj đi bộ đội chỉ có bà chị cả và phu quân của bả ủng hộ, nhưng đến những ngày cuối cùng anh chị cũng bàn lùi:"Mày không muốn đi thì không đi cũng được, để anh chị tìm cách". Haizz, trộm nghĩ, thế là quyết định của mình cuối cùng không ai ủng hộ ư? kể cả một gia đình văn minh-khai hóa-và hiểu mình như thế này.

3 tháng trôi qua, hầu như không mắc phải bất kỳ lỗi nào. Mấy lỗi kiểu như: Không giặt khăn mặt, ba lô nghiêng, túi cóc hở, phản bẩn, gối ngược…cũng cóp nhặt cho mình được một số niềm vui nhỏ nhỏ. Là 3 lần được biểu dương gấp chăn đẹp. Là người đầu tiên trong đại đội được chụp ảnh với Lữ đoàn trưởng vì bắn giỏi ở tư thế đứng bắn. Lần thứ 2 tiếp xúc với Lữ đoàn trưởng là hôm gần đây, lãnh đạo quận Hải Châu-Đà Nẵng vào thăm, ông đến nhíu vai mình bảo Kiệt tí nữa lên đại diện cho 32 chiến sỹ của quận Hải Châu trong đơn vị cảm ơn, hứa hẹn với lãnh đạo. Hôm đi đánh thuốc nổ, ông đến nói chuyện với lính;"Có đứa mô yêu con gái Bình Định không bay?, nghe câu:

Ai về Bình Định mà coi

Con gái Bình Định cầm roi đánh chồng, chưa?

Không có gì thay đổi thì chắc sẽ ở đây 2 năm rồi về, coi như qui ẩn giang hồ, chắc sẽ không ra Đà Nẵng học at như ban đầu đã quyết định. Có quá nhiều suy nghĩ về ước mơ và công việc sau này, nghĩ đi nghĩ lại chẳng đâu vào đâu…Một kỳ thi đại học nữa lại đến, không biết đề Hóa năm nay sẽ thế nào, có thể là lần đầu tiên kể từ khi viết tài liệu, sách vở môn Hóa năm nay mình sẽ không giải đề hóa,…cũng không thể cùng ai đó vượt qua kỳ thi. Mấy ngàn trang sách, tài liệu và đề thi đã viết, tin chắc rằng trước khi SGK thay đổi nó vẫn rất nhiều giá trị. Có một chút gì đó gọi là tiếc nuối nếu như từ bỏ niềm đam mê đó. Mà đã bao lần nói bỏ mà có bỏ được đâu…

Cũng như thời gian mới ra trường, bắt đầu đi làm, được các ah chị trong phòng, trong công ty, trong Tổng công ty động viên, giúp đỡ vậy. Rời khỏi trường ĐH ra đi làm mình giống như một con gà công nghiệp được thả ra đồi. Ngơ ngơ ngác ngác, thiếu sót, khuyết điểm và cái tôi bao giờ cũng cao ngất. Rồi lại một lần nữa từ mô trường công sở bước vào quân ngũ, lại cái gì cũng không biết. May mắn là ở lữ đoàn rất tốt, mọi chế độ ăn, ngủ, sinh hoạt, học tập đều ổn…Có đại đội trưởng là cha, chính trị viên là mẹ, đồng đội là anh em. Mượn một câu của Nguyễn Văn Thạc trong Mãi Mãi tuổi 20, :"Ta khao khát được hòa vào gia đình lớn của mình, nơi ta gửi gắm cả thanh xuân".

Đọc lại một lần bài viết này thấy nó lủng củng hết sức, chẳng có chút mạch lạc và liên kết gì chắc là do nghĩ gì viết nấy, mỗi lần được 5 phút, 3 phút thì lại có còi, có kẻng thổi đi làm nhiệm vụ. Có bao nhiêu chuyện nghĩ ra lúc nửa đêm nhưng không được phép thức dậy để ghi lại. Hi vọng có dịp nào đó để viết thêm một bài, khi đó mong rằng nó sẽ là những dòng vui vẻ và đặc sắc hơn, là những dòng tươi vui, phấn khởi chứ không nửa vời như vầy.

PS. Định dừng lại rồi mà xem ra không thể không nói đến điều này. Quân đội nuôi mình còn tốt hơn cả mẹ và chị nuôi. Cảm giác mình được sinh ra thêm một lần nữa ấy! 1 tháng đầu tiên của tinh binh mình đã tăng 2kg, trong Đại đội có thằng tăng 6kg. 3 tháng tân binh không bị ốm đau gì cả, mà kể có ốm thì cũng không có bộ dạng và không được phép có bộ dạng bánh bèo như ở nhà được. Thấy a e đồng chí làm việc lao ra làm rồi cũng toát mồ hôi, tự nhiên nó hết thôi. Đó là sức mạnh của tập thể, sức mạnh của kỷ luật, sức mạnh của quân đội.

Đọc nhật ký Nguyễn Văn Thạc, thấy cái thời những năm 70 của thế kỷ trước sao người ta có thể lạc quan, yêu đời, trung thành với cách mạng mặc cho mưa bom bão đạn đến như vậy. Thế hệ thanh niên thời kỳ ấy thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ biết bao. Người ta phải gác lại sự nghiệp ở trường ĐH, xa gia đình, chia tay với người yêu, càng đau đớn xót xa hơn đó là những cuộc chia ly mãi mãi. Những Bác Sỹ, kỹ sư, sinh viên tài năng như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao,…Họ đã hi sinh những năm tháng tuổi xuân đẹp nhất, tài năng nở rổ nhất. tự nhiên vô tình dở đến trang 252 nhật ký, thấy ông viết dòng này:^^""vào Đảng để làm gì nhỉ? Khi người ta đã sống và làm việc như một Đảng viên rồi". Không biết sau này có khi nào mình phải dùng đến câu này để đấu tranh tư tưởng.

-  K ơi, em vẫn chưa hiểu, anh ở Nghệ An mà đi bộ đội Đà Nẵng, anh đi bộ đội cho công ty à.

- Anh đi cho anh chứ cho ai đâu.

Làm việc được 1 năm rưỡi, công ty đào tạo, chỉ bảo…đến khi biết việc 1 chút thì đi. Vào bộ đội, lại tiếp tục học làm người lính, ăn tốn cơm của nhà nước chứ đã làm được gì cho tổ chức, cá nhân nào mà dám nhận là đi bộ đội cho ai. Mình không phải là thanh niên của thế kỷ 21 nhưng mang và giác ngộ lý tưởng của lớp lớp thanh niên thế kỷ 20, chỉ là thuận theo tự nhiên, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Lại một đoạn mình tâm đắc trong nhật ký  Nguyễn Văn Thạc:

"Anh con trai nhà bên sắp đi bộ đội. Sớm mai sẽ đi thì phải. Bạn bè đến chơi đông và chắc là bồn chồn lắm. Chà, có gì mà phải tiễn. Tôi là lính cũ rồi, đi bộ đội bình thường thôi – giản dị mà lên đường và khiêm nhường khi trở lại."

< Bình định, 20/5/2019 >

 


Share This:

Nguyễn Công Kiệt

Chào mừng các bạn đến với Blog của Nguyễn Công Kiệt. Thông qua Blog này mình muốn chia sẻ tất cả những gì mà mình biết hoặc đã được trải nghiệm... Mình rất mong được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn bằng cách comment bài viết, chia sẻ bài viết hoặc liên hệ với mình qua blog này! Mình xin cảm ơn!

No Comment to " MÌNH VIẾT GÌ KHI VIẾT VỀ TÂN BINH "

  • To add an Emoticons Show Icons
  • To add code Use [pre]code here[/pre]
  • To add an Image Use [img]IMAGE-URL-HERE[/img]
  • To add Youtube video just paste a video link like http://www.youtube.com/watch?v=0x_gnfpL3RM