PHỎNG VẤN TRƯỚC KHI ĐI BỘ ĐỘI
1. Tốt nghiệp đại học, đã làm ổn định ở công ty điện lực vẫn đều đều viết sách… và “bất thình lình” nhập ngũ. Có vẻ như con đường đi của thanh niên Nguyễn Công Kiệt hơi khác thường nhỉ?
Theo em thì chuyện này không có gì là bất thình lình. Vì theo luật nghĩa vụ quân sự người học đại học như em vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự cho đến 27 tuổi. Hơn nữa trước khi có lệnh gọi nhập ngũ thì đã có nhiều văn bản liên quan như gọi khám sức khỏe, thông báo kết quả khám sức khỏe,…gửi về cơ quan. Mọi thứ đều nằm trong sự chuẩn bị của em. Còn khác thường ở đây, chắc theo tâm lí đám đông, số đông mọi người kể cả các thanh niên và phụ huynh của họ tìm cách để tránh phải đi nghĩa vụ quân sự bằng cách này hay cách khác vì những suy tính về khó khăn,vất vả, được mất ở trong môi trường quân đội. Em thì suy
nghĩ thoáng hơn, còn trẻ khoan hãy tính những chuyện được mất, "trải nghiệm" thứ đó là thứ không mua được bằng tiền. Hơn nữa, chuyện đã xảy ra rồi nếu có buồn chán, bất mãn cũng không phải là cách giải quyết vấn đề.
2. Động lực nào để bạn quyết định gác lại tất cả mọi thứ màu hồng của mình trong hai năm để bước vào môi trường quân đội?
Hai năm sau là chuyện tương lai, em nghĩ không thể nói bây giờ em không đi nghĩa vụ thì cuộc đời em màu hồng, còn đi nghĩa vụ cuộc đời em màu xám được. Trong bất kì môi trường nào em cũng sẽ cố gắng làm tốt mọi việc trong khả năng của mình. Màu hồng hay xám chắc cũng do góc nhìn của cá nhân mình thôi ạ.
3.Bạn nghĩ môi trường quân đội sẽ như thế nào?
Hồi xưa sinh viên cũng được đi học giáo dục quốc phòng 1 tháng. Thực sự em rất thích môi trường quân đội, vì tụi em lúc đó mới xa gia đình, được rèn luyện thêm tính nhiều kỹ năng. Tất nhiên việc đi 2 năm sẽ khác so với đi 1 tháng như sinh viên, sẽ có những vất vả, cực khổ mà em chưa tưởng tượng ra được bây giờ nhưng em sẵn sàng chờ đón mọi thử thách.
4. Chỉ nghĩ tới chuyện thanh niên Kiệt vốn rất hài hước, thích “chém gió” và cởi mở trên FB nhưng vào quân đội sẽ bị cấm tiệt điện thoại, FB… Rồi việc dừng lại hai năm, mọi thứ từ công việc, cuộc sống có thể bị lạc hậu đi khi bạn bước ra từ môi trường quân ngũ. Bạn có nghĩ đến những khác biệt từ nhỏ nhỏ đến to to như thế chưa?
Những khác biệt đó em có suy nghĩ đến chứ, nhưng em không lo lắng vì em nghĩ sau một thời gian rồi cũng thích nghi, khả năng thích nghi của con người là rất cao ạ. Về việc phải ngừng sử dụng mạng xã hội FB em nghĩ thực sự chắc em cũng phải mất một thời gian dài để thích nghi, tuy là thế giới ảo nhưng qua đó em đã giúp đỡ được rất nhiều bạn học sinh học tốt hơn qua các tài liệu mình post miễn phí, chia sẻ tâm tư tình cảm với các em rất nhiều, quen biết được nhiều bạn bè và thầy cô trên cả nước. FB em nhờ đó cũng có số người theo dõi và bạn bè khá lớn, em cũng học hỏi được rất nhiều từ các thầy cô, bạn bè và học sinh qua những chia sẻ trên mạng xã hội.
Còn việc lạc hậu sau hai năm quân ngũ. Về công việc, bạn em (Đi sĩ quan dự bị) cũng từng tâm sự sau khi đi bộ đội về tay cứng đơ, gõ bàn phím thấy kì kì, rồi câu lệnh các phần mềm…quên sạch, nhưng sau một thời gian cũng bắt nhịp được. Em rất thích câu nói của một thấy giáo dạy Hóa nổi tiếng ở Tp. Hà Nội:"Kiến thức thì mất đi nhưng tư duy thì ở lại". Em nghĩ quan trọng là cách tư duy, còn việc quên một vài kiến thức, kỹ năng thì chắc sẽ "nhớ lại" nhanh thôi ạ.
5. Bạn có suy nghĩ, định hướng gì sau khi ra quân không? Nhất là khi hai năm sau có thể con đường bạn đi không nhiều lợi thế như hiện nay (ít nhất là khi ấy không còn trẻ và có thể kiến thức anh văn, chuyên ngành không nhạy bén như hiện nay)?
Như đã trả lời ở câu 2, em không thích nói về tương lai. Nếu cuộc sống mà mọi thứ có thể hình dung trước, nhắm mắt cũng biết được kết quả như: Đi làm, cưới vợ, sinh con, lao tâm khổ tứ về sự trưởng thành của con, đi làm như một cái máy rồi nghỉ hưu…một cuộc sống như vậy thật thiếu thú vị và thiếu màu sắc. Chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi nhưng em sẽ chấp nhận và thích nghi.
6. Bạn bè và gia đình có những ý kiến trái chiều gì về quyết định của bạn không? Nhất là ba mẹ bạn vì
con cái được ổn định cuộc sống trong môi trường nhiều cơ hội thăng tiến là mơ ước của bất cứ ông bố bà mẹ nghèo nào nhưng bạn lại không lựa chọn?
Bạn bè gia đình đều thực sự rất ngạc nhiên, nếu không nói là sốc vì quyết định của em. Nhưng em thấy rằng cuộc đời mình là do mình lựa chọn, quyết định đúng hay sai sau này bản thân đều phải chịu trách nhiệm, bố mẹ cũng không thể "bao bọc" mình mãi được. Nhiều khi mong muốn của bố mẹ lại không phải là mong muốn của bản thân, nên em nhiều lúc cũng phải cố gắng để cân bằng mọi thứ. Em rất thích câu: Hãy sống để chính mình hạnh phúc, đừng sống để người khác ngưỡng mộ. Mọi người hay quy chụp những trải nghiệm bản thân rồi bắt thế hệ sau phải nghe theo, "không phải là cá, làm sao hiểu được niềm vui của cá"?
7. Bạn bè, các chị của bạn đôi khi vẫn gọi Kiệt “hâm”. Kể vài cái “hâm” của bạn nào?
Em hay có nhiều quyết định khá khác so với số đông, ví dụ: Đùng cái đang là một lớp trưởng gương mẫu suốt 12 năm liền năm lớp 12 bắt phụ huynh sang xin cô chủ nhiệm "nghỉ việc".
Không thích các buổi liên hoan tụ tập bạn bè, đồng hương, ăn nhậu chém gió những chuyện trên trời dưới đất. Chuyện đòi bỏ học đại học để về thi lại năm thứ 3 đại học. Nhất là các câu status thả thính trên FB, khá là "trẻ trâu" nên mọi người vẫn hay gọi là hâm.
8. Tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành điện lực, viết cả chục đầu sách tham khảo môn hóa cho học sinh cấp 3, admin trang hóa học và các bạn trẻ, tự học và ẵm điểm rất cao những chứng chỉ anh ngữ quốc tế… Rốt cuộc thì bạn đam mê thứ gì nhất nhỉ?
Em đang thử thách khả năng thích nghi của chính mình ạ. Hồi nhỏ đi học học rất đều, hầu như 12 năm đều là HSG toàn diện, có lần đi thi học kỳ văn được 9,5. Đam mê của bản thân thì là hóa học, nhưng quan điểm sống của em không đồng nhất công việc đam mê và công việc kiếm tiền nuôi sống bản thân. Hiện tại em vẫn là một nhân viên ở phòng kỹ thuật của ban QLDA Điện, cái này không liên quan đến Hóa. Việc giải hóa chủ yếu thực hiện ngoài giờ, thứ 7, CN chủ yếu để giải trí và trò chuyện chém gió với các em học sinh trên cả nước. Em nghĩ thời cấp 3 là thời rất đẹp, vô tư hồn nhiên, không nhiều toan tính, bản thân mỗi con người luôn hướng đến hoặc tìm về được các đức tính đó thì tốt biết mấy.
9. Những đầu sách hoá học của bạn vẫn được tái bản thường xuyên. Bí kíp nào để một tác giả trẻ không hề có học hàm, học vị lại làm được điều ấy khi viết sách tham khảo?
Em viết cho tạp chí Hóa Học và Ứng Dụng (thuộc hội hóa học Việt Nam) từ hồi sinh viên qua một lần đọc tờ tạp chí. Hồi xưa chưa có máy tính còn viết tay, vẽ đồ thị, dụng cụ thí nghiệm bằng tay rồi ra bưu điện gửi. Hình như có duyên với nghiệp viết lách ấy ạ, bài nào cũng được đăng rồi dần dần quen được nhiều bạn bè, thầy cô, học sinh đam mê hóa học. Quan điểm cá nhân thôi nhé: Học hàm học vị không quyết định độ hay của các cuốn sách đâu ạ. Em viết được sách hay, có nhiều lời giải hay vì em trực tiếp làm đề, giải để, hiểu được tâm lí của các em học sinh khi làm bài, khoảng cách thế hệ cũng là một lợi thế và bởi vì em hơi "trẻ trâu" nên tiếp xúc với các em ấy rất dễ.
10. Cơ duyên nào khiến bạn đam mê với công việc viết sách tham khảo hóa học?
Em viết cho tạp chí rồi được các thầy cùng viết ở tạp chí mời cộng tác viết chung 1 cuốn (Cuốn đầu tay của em), sau đó thì một nhà sách tư nhân đặt hàng em viết riêng. Sau này vì thấy công sức thời gian mình đầu tư rất nhiều nhưng sách xuất bản quá chậm, nhuận bút thanh toán không rõ ràng, không đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc (về sự cập nhật của đề thi), và em cũng có thu nhập từ công việc nên em không viết sách qua nhà xuất bản nữa mà chuyển sang dạng .pdf đưa lên fan page cá nhân và trang blog của cá nhân. Hằng ngày qua theo dõi trên Blog vẫn có hằng trăm lượt bạn đọc tải tài liệu của em về ôn tập và học tốt hơn môn hóa.
11. Kể vài khó khăn của việc viết sách tham khảo nhé – lĩnh vực được xem là “khó nhằn” mà rất ít bạn trẻ có khả năng bước chân vào?
Em phải đọc và tìm hiểu rất nhiều để không bị lạc hậu vì đề thi những năm gần đây thay đổi cấu trúc liên tục. Phải trực tiếp giải đề, thú thực có những bài giải mấy ngày mới ra ấy ạ. Em cũng trao đổi với nhiều thầy cô và học sinh ở các lớp chọn, các trường chuyên để sưu tầm đề, phương pháp giải, cách tư duy…em học hỏi được từ mọi người rất nhiều.
Vấn đề thứ 2 là nhuận bút, tuy có hợp đồng nhưng nhà sách trả rất cảm tính, nhuận bút cho một cuốn sách viết cả năm không bằng lương một tháng của công việc hiện tại, bản thân phải đầu tư rất nhiều thời gian nên nhiều lúc cũng thấy hơi nản, em còn gắn bó với hóa học cho đến ngày hôm nay chắc phần nhiều do "duyên nợ" (hồi xưa rất thích hóa và cũng có nhiều kỉ niệm liên quan đến các kì thi), đam mê và tình yêu với học sinh ạ.
12. Gia đình bạn được xem là “kiểu mẫu” cho những gia đình nghèo có con hiếu học ở Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, là em út trong gia đình, có lúc nào bạn chịu áp lực từ các anh chị đi trước
không?
Em hơi khác với các anh chị là cả nhà đi theo hướng xã hội (học khối C), em lại học theo học tự nhiên (khối A) nên cũng không có cơ sở để so sánh. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng mà. Tất nhiên là em út thì đôi lúc
cũng bị mọi người "áp đặt" đôi chút, nhưng nhìn chung mọi người vẫn quan tâm và yêu thương nhau ạ.
13. Sở hữu vài nick name khá đặc biệt: Kiệt “hâm”, Kiệt “choẹt”… nhưng tính cách nổi trội của bạn
là gì nhỉ? Vài tóm tắt ngắn gọn về tính cách, con người Kiệt “choẹt” nào?
Trên mạng xã hội em có vẻ là một người hơi trẻ trâu, phóng khoáng, vô tư, có chút hâm dở…Ngoài đời thì khá già nua và trẫm tĩnh ạ, gọi là già trước tuổi. Các anh chị đồng nghiệp trong cơ quan vẫn hay chọc là nhìn thằng này ngoài đời không ai nghĩ trên mạng nó lại như vậy, đúng là sống ảo. Hồi nhỏ hay khóc nhè (vì là con út mà) nên chắc bị chọc là Kiệt choẹt. Mọi người đánh giá em: Hiền, ông cụ non, chắc chắn nhược điểm là nhiều lúc có những quyết định hơi chập chập, khác với số đông: ví dụ như đi nghĩa vụ chẳng hạn.
< Nhà báo Võ Thu Hương>
No Comment to " PHỎNG VẤN TRƯỚC KHI ĐI BỘ ĐỘI "