EM THẤY SÁCH CỦA TUỆ AN BỊ VỨT DƯỚI GẦM CẦU THANG
EM THẤY SÁCH CỦA TUỆ AN BỊ VỨT DƯỚI GẦM CẦU THANG
Đó không phải
là cái cảm giác vui vẻ phấn khởi gì, không như lúc trước, lúc mà em đi làm về
thấy trên giường chiến sỹ của 1 chú lính già có 2 cuốn sách của Tuệ An. (Tuệ An
nhà mi à? Thứ đi lính lác mi mà đòi quen biết với nhà văn : )) ). Còn bây giờ là
một hình ảnh khác, lúc lính già đi về em đã xếp tất cả sách và vở của họ vào 1
cái thùng carton, trong đó có cả cuốn sách này và để vào kho rồi. Thường khi xếp
cái gì đó thật kỹ và thật gọn thì người ta ít có ý định muốn bươi nó ra nữa, em
cũng không ngoại lệ. Em càng không có ý định đọc vì đọc sách của người trong
nhà làm gì (Làm gì nhỉ? Lấy tiền nhuận bút đó mua cho em 1 bộ đồ hoặc 1 cái
bánh thì có ý nghĩa hơn :v ), hình như em cũng chưa bao giờ đọc báo hay đọc thơ
của thị Lý và thị Sen :v. Ngày xưa đi học cứ đưa mấy cuốn vở của bả đi để nháp
thì các bạn trong lớp thi nhau đọc, rồi khen hay, mình thì phát bực vì lúc cần
nháp thì phải đi kiếm nhao nhác. Mà giả
sử có đọc cũng không quan tâm lắm và mọi người lại càng ngại đọc sách của em vì
với trình độ Hóa 3 hoặc 4/10 như Ný thì đọc sách em hiểu được cũng chết liền
(ngoại trừ lời nói đầu). Cứ như lời lẽ và thái độ của cái chú lính hôm trước đặt
1 lúc 2 cuốn "Người chăn chim ở nhà thờ Đức Bà" , thì chú ấy hơi thất
vọng về quyển sách này (mặc dù chắc chắn là chưa đọc, ấy cái hình thức nó quan
trọng đến vậy đấy). Bởi chú nghĩ đó là 1 cuốn tiểu thuyết kể về 1 người chăn
chim đã nghèo khó, vất vả như thế nào sau đó trở nên thành công chẳng hạn, chứ
không phải là 1 tập truyện ngắn, thế và, khi ra quân chú ấy cũng bỏ lại sách ở
đơn vị luôn…không thèm mang về nhà nữa.
Nhưng mà em đã
không muốn đọc rồi mà nó cứ đập vào mắt em như cái title mà em đặt. Ẹc, bực bội
thật chứ, chẳng lẽ cuốn sách có cái mẹt của Tuệ An ở đó mà em nỡ lòng nào để
cho nó bị vứt bờ vứt xó. Mà cũng thông cảm được, sách Lều Chõng của Ngô Tất Tố -
một tác phẩm bất hủ như thế, hôm trước, em còn nhặt ở ngoài đống rác về trong
tình trạng cháy sém thì sách của Tuệ An vứt ở gầm cầu thang cũng không có gì phải
gọi là quá tệ. Em lại nghĩ, thế mà có hôm CTV ở đây thấy bộ đội lót đít bằng
báo thì bảo là các anh không được chà đạp lên tri thức. Lúc đó em nghĩ thầm:"Lót
đít còn đỡ, nếu coi sách báo là tri thức thì người ta còn làm nhiều hành động
ghê tởm hơn với tri thức so với lót đít nhiều". Và nghĩ về cái gọi là
"tri thức" em cũng lại xót xa cho 5 cuốn sách Hóa với hơn 10.000 bản
mà tên thằng em được nằm chình ình ở bìa, một mai sẽ bị "chà đạp" như
cách mà CTV nói hoặc nhẹ nhàng hơn là gói xôi như cách mà thằng bạn em nói.
Nhưng mà thôi kệ
đi, coi như là duyên số run rủi thì em sẽ dành 1 buổi tối để đọc và ghi chép về
sách của Tuệ An. Bởi vì "nể tình" Tuệ An vẫn giữ được hình ảnh của Kiệt
Baby so cute hồi trước 5 tuổi và lúc Kiệt thất tình ở năm 2 ĐH Tuệ An đã rất
chi là lắng nghe và thấu hiểu và còn viết 1 bài động viên Reference : Nguyễn
Công Kiệt- Tình yêu và sự nghiệp trên blog : )) Không biết là tác giả cố tình
hay vô tình mà em cảm nhận nhá, hay do là tâm trạng của em. Mà một vài truyện
ban đầu thì thấy giọng văn khá là gấp gáp, như là chạy nước rút, mấy bài ở giữa
thì bắt đầu sâu lắng hơn, hiện tại thì chưa đọc hết nhưng mà 9 giờ tối rồi chuẩn
bị 9h.30p.m có kèn đi ngủ nên mượn máy ngồi gõ vội vài dòng chứ không tối nằm mộng
mị mai lại quên :v . Và em phải nói rằng văn của Tuệ An rất có chiều sâu, ít nhất
là với 1 ông cụ non khó tính như em chẳng hạn, hoặc là do em hợp với kiểu văn học
đó, như thị Ný nói hai chị em ta dở dở ương ương như nhau chăng? Nhưng mà em phải
nói rằng thị Ný thì chỉ có thể viết được thơ và văn, và nấu ăn, làm bánh theo
kiểu Nghệ Thuật, có khoa học thì cũng là khoa học của văn học chứ không thể là
khoa học tự nhiên như Tuệ An được. Đọc văn của Tuệ An thì thấy sự trải nghiệm cả
về chiều rộng lẫn chiều sâu khoa học (ơ này, em không nịnh đâu nhé, em chỉ đứng
về lẽ phải) và cả xã hội nữa. Và nó không có nhạt nhẽo và khó hiểu, em phải nói
là nhạt nhẽo khi nói về một vài cuốn sách gần đây mà em cố đọc để xem tìm thấy
thứ gì hay ho như là: Hôm Nay Tôi Thất Tình (Hạ Vũ), Khi con tim rung động
(cũng là 1 tập truyện về ngôn tình hết sức là nhạt nhẽo), hay đến cuốn sách Đi
Tìm lẽ sống, hoặc Nhà Giả Kim gì đó mà nhiều người ca tụng là hay, là bán được
hàng triệu bản, là best seller, ôi giời, em phải nói là xách dép cho Tuệ An nhà
em cũng không được. Đó là ý kiến của em thôi, còn gạch đá thì ai thích cứ thoải
mái, nhưng chắc độc giả có quền bình luận về tác phẩm của mình, miễn là không
phải là lăng mạ, hay xỉ nhục gì tác giả. Với lại độc giả có trình độ nhận thức
về Đảng đạt chuẩn của TW quy định và học các môn Nguyên Lý, Đường Lối, Tư tưởng
đều trên 9.0 như Kiệt : )) thì chắc không đánh giá quá sai lầm và lệch lạc đâu
: ))
Tuệ An trong
cái bìa sách này sẽ là 1 Tuệ An perfect, biết làm đủ thứ đồ handmade, biết thổi
sáo, thổi hồn vào những nhân vật rất thật… và quan trọng nhất là biết đủ thứ Đông
Tây Kim Cổ. 1 Tuệ An mà Hải Ný sau nhiều năm gặp lại ở Sài Gòn khen với em đủ
điều, chứ không phải như là Tuệ An của nhiều năm sau đó hâm hâm giống Kiệt hâm
như Ný vẫn nói. Mà em cũng không quan tâm lắm, vì một người giả thử có hâm 2, 3
phút mỗi ngày thì sao lại dùng vài 3 phút đó để oánh giá cả một con người của họ
được. Nếu một đứa trẻ chỉ nhớ mỗi hình ảnh của ba mẹ nó lúc nó làm vỡ đồ hoặc rơi thức ăn thì bà mẹ đó khác gì phù thủy. Nhật ký Nguyễn Văn Thạc có đoạn viết:"Ai mới gặp ta một lần cũng bảo mình quý, mình thương. Ai ở với ta một thời gian cũng trỏ vào mặt ta mà bảo: Dở người...'' Mới cả là nếu việc tò mò tỉ mỉ để hiểu quá nhiều về một người để rồi đánh
mất đi hình ảnh đẹp của nhau thì khác gì một tội ác. Bởi vì sao? Khi bạn nghi ngờ một người nào đó
thì mọi hành vi của anh ta đều tệ hại. Thôi em nói lan man quá rồi, em ghi lại
vài câu mà em tâm đắc dưới góc nhìn của thằng bé so cute sắp tròn 26 tuổi, về
cuốn sách này nhé:
==========
Thật dễ dàng để
chấp nhận và yêu thương kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác
mình thực sự rất khó khăn.
Ư, trăng khuyết
có cái đẹp của trăng khuyết con.
Một mối quan hệ
được xây dựng như chăm một cái cây, nuôi nấng từng ngày, tưới tắm từng ngày,…với
bao nhiêu ánh sáng, nhiệt độ, nước, dinh dưỡng,…Tự dưng một ngày em thấy cái
cây nó ngứa mắt. Em bẻ chơi cho bõ ghét. Cái cây chết mất rồi, chưa kịp ra trái
đơm bông. Lúc đó em mới hiểu bông và trái của cái cây rất có giá trị, em có lấy
lại được không?
Em đã nói hết lời
lẽ, nó cũng như một sự cố, em không ghét bỏ chị, chỉ là tầm nhìn và tư tưởng của
em lúc đó chỉ đến thế.
Đúng là thương
nhau như thế bằng mười hại nhau.
Luyện được mấy
ngàn quân binh thì được, mà luyện một đứa con không nên.
Con cái sinh ra
đâu được quyền lựa chọn cha mẹ.
Đâu phải thấy
khổ, thấy khó, thấy không chịu được nhau nữa là quyết định bỏ. Vợ chồng vừa có
cái tình, vừa có cái nghĩa.
Nàng cười nhè
nhẹ. Giễu mình. Đang bên cạnh hơi ấm mà lòng lạnh quắt. Nàng thờ ơ nhận lấy những
cử chỉ thương yêu của một chàng trai khác, tự như đang thỏa hiệp để an ủi nỗi
cô độc của mình. Cứ tưởng dỗ dành được, nào ngờ nàng lại tự làm xót xa mình
hơn, bởi là vờ như mà thôi, hơi ấm ấy không thật thà, bàn tay không mong đợi.
Sách Khổng Mạnh
đã đánh lừa tất cả những người phụ nữ trong gia đình nàng, như bà, như mẹ, và
như nàng sẽ thành. Phụ nữ cần nhan sắc và đức hạnh, nhan sắc cần trang điểm, đức
hạnh nên trau dồi. Vậy trí tuệ của nàng có cần không? Đam mê của nàng có cần
không? Chao ôi đến tội.
Mà em cũng
không thích nghe tiếng chim lồng hót nữa.
Tiếng hót đó không hay đâu, em dám chắc là nó không hót về tình yêu và sự tự
do.
Một nắm cơm hay
hai nắm cơm hay bao nhiêu nắm cơm thì cũng là bữa ăn trong một ngày. Làm sao mà
để được cái gì đến ngày mai? Không phải chúng tôi là những cái dạ dày không đáy
trong một ngày, mà nếu không kịp ăn thì cũng bị cướp mất. Không chỉ cơm, mà tiền
cũng thế. Vậy nên cái nghĩ đến chỉ nên nghĩ trong một ngày. Và vui.
Bà mẹ nuôi bảo
khiêm nhường là cái gốc của đức hạnh, còn luồn cúi thì có gì hay. Tôi thì thấy
không khác nhau lắm, kiểu gì thì cũng không trèo lên đầu thiên hạ mà ngồi cho
bõ ghét.
Bà bảo, con đọc
Khổng Tử để biết, không phải để dạy đời. Và nhất thiết không được khinh ai. Đàn
bà hay tiểu nhân, họ cũng là người. Hạng nào cũng là mạng sống. Kể cả súc sinh.
Bà bảo, Lão Tử
có nhiều cái hay. Hay nhất là viết ít, mà giá trị. Không cần chứng tỏ, mà trời
biết, người biết là bậc thánh nhân.
Thời gian trôi
nhanh như chó điên phi qua cửa sổ. (ẹc, đọc câu này mà bật cười)
Tôi nhờ hắn vẽ
chân dung con Tân. Hắn bảo hắn không thích vẽ tranh để cua gái. Thế bất nhân bỏ
mẹ. Nghệ thật vị nghệ thuật chứ chứ thuật vì cái khác, kể cả vì gái thì vứt.
Đạo là đường,
hãy đi cho đến cùng một con đường. Đi lung tung, ích gì?
Đất lành chim đậu,
đất không lành đất nhậu chim luôn.
Người chăn chim
có lẽ cũng không ưa tôi, như không ưa nhiều kẻ ngoại lai xâm nhiễm làm biến chất
Sài Gòn xưa. Kệ Gã. Người hay đất thì cũng có vận mệnh, lúc xuống, lúc lên, lúc
suy lúc thịnh, không chấp nhận được sự thay đổi thì cứ ngồi đó. Hiển nhiên là
thế. Gã không cần yêu cầu gì hơn, gã ngồi đó, mỗi sáng, chăn chim trời.
Đàn bà chỉ muốn
phô diễn cái đẹp chuẩn khuôn mẫu hàng mã nào đó chứ ít ai dám phô ra cái tự
nhiên, bản chất. Còn đàn ông vì si mê cái tự nhiên bản chất đó mà cũng phải cố
gật gù ưa thích cái đồ hàng mã kia. Buồn cười.
==========
Kết này, sau
Vàng Anh và Phương Hoàng thì lần này đến lượt Hoàng Anh chạm đến cảm xúc của em
đấy, không biết là em vừa đọc vừa nghĩ đến cái gì mà giật mình khi bị nhắc:"Mày
khóc à Kiệt", nói theo kiểu vui vui là sách đã bắt sóng cảm xúc được 1 thằng
đã dành trọn vẹn tuổi 26 với 11 chế độ trong ngày ở đây. Em tự trách mình:
" Vì sao em đã không đọc nó sớm hơn".
Share This:
-
PrevoiusPHỎNG VẤN TRƯỚC KHI ĐI BỘ ĐỘI
-
NextTRÍCH DẪN HAY TỪ SÁCH - 2020
No Comment to " EM THẤY SÁCH CỦA TUỆ AN BỊ VỨT DƯỚI GẦM CẦU THANG "